Ảnh Mặt Trăng được chụp bởi Kính thiên văn CDK600 tại Đài thiên văn Quy Nhơn
Mặt Trăng có những vết rỗ, còn được gọi là hố va chạm, là do các vật thể trong không gian, chẳng hạn như tiểu hành tinh và sao chổi, va chạm với bề mặt của nó. Các vật thể này có thể có kích thước từ vài mét đến hàng ki-lô-mét. Khi chúng va chạm với bề mặt của Mặt Trăng, chúng tạo ra vụ nổ mạnh và hình thành nên các hố va chạm với nhiều kích cỡ khác nhau. Hố va chạm lớn nhất trên Mặt Trăng là Bồn Nam Cực – Aitken (South Pole-Aitken Basin), với đường kính khoảng 2.500km, sâu đến 8,2km và được hình thành cách đây hơn 4 tỷ năm trước.
Làm thế nào những “vết rỗ” này có thể tồn tại tới ngày nay được?
Hãy để ý rằng chúng ta đang sống trên Trái Đất, một hành tinh duy nhất có sự sống trong Hệ Mặt Trời cho tới thời điểm hiện nay và lớp khí quyển của Trái Đất chính là một trong những nguyên nhân chính để sự sống có thể sinh sôi trên hành tinh này. Bầu khí quyển của Trái Đất được xem là một vỏ bọc bảo vệ hành tinh này khỏi các tác nhân gây hại từ không gian, chẳng hạn như bức xạ tia cực tím từ Mặt trời và các mảnh vụn không gian như thiên thạch, các tiểu hành tinh,…Tuy nhiên, Mặt Trăng lại không có bầu khí quyển, vì vậy không gì có thể ngăn cản sự va chạm đến từ các vật thể trong không gian lên bề mặt của nó được.
Một nguyên nhân nữa đó chính là “gió”. Gió là sự di chuyển của không khí trong khí quyển. Sự di chuyển này được tạo ra bởi sự chênh lệch áp suất không khí giữa hai khu vực. Mặt Trăng thì lại không có bầu khí quyển, đồng nghĩa với việc không có gió. Vậy nên hiện tượng phong hóa để vùi lấp các “vết rỗ” trên mặt trăng không hề xảy ra, vì vậy các hố va chạm vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Tương tự như vậy, những dấu chân của các phi hành gia từng đi trên Mặt trăng vẫn còn đó cho đến ngày nay và thậm chí thể mãi tới hàng triệu năm tới nữa!
Có một sự thật rằng là Trái Đất cũng có những miệng hố tương tự. Trong suốt hơn 4,5 tỷ năm qua, Trái Đất cũng từng xảy ra các va chạm tương tự như Mặt Trăng, thậm chí là còn nhiều hơn vì kích thước của hành tinh này lớn hơn vệ tinh của nó rất nhiều lần. Tuy nhiên, Trái Đất của chúng ta lại là một hành tinh khá đặc biệt. Phong hóa, kiến tạo và mắc-ma phun trào từ các miệng núi lửa,.. chính là nguyên nhân làm cho các “vết rỗ” này dần bị che lấp, vậy nên chúng ta sẽ thấy Trái Đất có ít hố va chạm hơn Mặt Trăng.
Trương Như